Kinh nghiệm du lịch Dak Lak – Buôn Ma Thuột từ A – Z

Kinh nghiệm du lịch Dak Lak – Buôn Ma Thuột từ A – Z

Được xem là trung tâm của văn hóa Tây Nguyên, Buôn Ma Thuột quyến rũ du khách nhờ những cánh đồng cà phê bạt ngàn, những con thác cao ngất hùng vĩ hay vẻ đẹp của dòng Sêrêpôk huyền thoại.Cùng nhà xe Tiến Oanh điểm qua kinh nghiệm du lịch Đak Lak bạn nhé.

Thời gian lý tưởng để du lịch Buôn Ma Thuột

Buôn Ma Thuột có thời tiết hai mùa mưa nắng rõ rệt. Mùa khô bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10. Do khí hậu tương đối ôn hòa, nhiệt độ trung bình hàng năm 23 – 24 độ C, nên bạn có thể đến Buôn Ma Thuột vào bất cứ thời điểm nào trong năm nhưng lý tưởng nhất là tháng 12 (mùa hoa dã quỳ vàng rực và các lễ hội địa phương đậm chất hoang sơ) hoặc tháng 2-3 (mùa hoa cà phê và lễ hội đua voi hấp dẫn).

Phương tiện di chuyển đến Buôn Ma Thuột

Buôn Ma Thuột cách TP. HCM khoảng 350km, cách Hà Nội khoảng 1.400km. Bạn có thể lựa chọn đi bằng đường bộ hoặc đường hàng không:

– Từ TP HCM: Nếu đi ôtô, bạn sẽ mất khoảng 7-8h, vé xe có thể mua tại tất cả các phòng vé của nhà xe Tiến Oanh với nhiều chuyến khởi hành trong ngày. Bạn có thể chọn chuyến muộn (22h) để tận dụng giấc ngủ đêm trên xe.

nha xe di da lat

– Từ TP HCM, Hà Nội: Nếu chọn di chuyển bằng máy bay, bạn có thể chọn đường bay thẳng của Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar.

Đến Buôn Mê Thuột ngắm gì 

Tùy vào thời gian chuyến du lịch Buôn Ma Thuột của bạn dài hay ngắn mà bạn có thể lên lịch trình tham qua cho hợp lý. Các địa điểm tham quan hầu hết nằm trong bán kính 60km, quanh thành phố Buôn Ma Thuột. Dưới đây là một vài địa điểm tham quan mà các bạn có thể tham khảo:

Đá Voi Mẹ

Nằm trên địa bàn xã Yang Tao (huyện Lắk), cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột khoảng 40km theo quốc lộ 27, đá Voi Yang Tao gồm một cặp đá Voi Cha và đá Voi Mẹ hiện lên sừng sững giữa núi rừng, mang trong mình những truyền thuyết ly kỳ, bí ẩn. Theo ước lượng thì đá Voi Mẹ có chiều dài khoảng 200m, chu vi dưới chân đá khoảng 500m, cao khoảng hơn 30m và nặng hàng vạn tấn. Đây chính là tảng đá nguyên khối lớn nhất Việt Nam.

Từ mặt đất, chỉ mất khoảng 15 phút để lên đến đỉnh cao nhất của tảng đá bằng cách leo qua những sườn dốc thoai thoải. Từ trên đỉnh đá Voi Mẹ, có thể quan sát nhiều thắng cảnh trong vùng như: hồ Yang Reh và dãy Chư Yang Sin – mái nhà của Tây Nguyên. Tuy lên đỉnh đá Voi Mẹ không khó nhưng bạn phải thật cẩn thận vì trên tảng đá có rất ít chỗ bám. Vào những ngày gió mạnh, việc leo lên đỉnh đá Voi Mẹ là điều khá mạo hiểm bởi người leo có thể bị gió cuốn lăn khỏi vách đá.

Khu du lịch Ko Tam

Khu du lịch Ko Tam cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 8km, tọa lạc ngay trên quốc lộ 26, 789 Phạm Văn Đồng, Tân Hoà, TP. Buôn Ma Thuột. Đến đây, du khách có thể tìm hiểu về nền văn hóa Tây Nguyên đa dạng, nhiều bản sắc. Đặc biệt, toàn bộ các công trình kiến trúc trong khu du lịch đều được dựng bằng tre, nứa, gỗ trông thật ấn tượng và lạ mắt.

Tại đây, còn có một nhà sàn là nơi trưng bày các tranh ảnh, nhạc cụ dân tộc của người Êđê hay khu vực bến nước được tái hiện theo cách tự nhiên nhất thể hiện tín ngưỡng văn hóa của người đồng bào, thêm vào đó là hồ câu nhân tạo với những chiếc thuyền thúng tạo cơ hội cho du khách có được trải nghiệm bơi thuyền mới lạ.

Bảo tàng Đắk Lắk

Hay còn gọi là bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Tây Nguyên. Được xây dựng ngay trên chính Biệt điện Bảo Đại – một di tích lịch sử của Đắk Lắk, bảo tàng có khoảng 1.000 hiện vật và hình ảnh, được tổ chức thành 3 không gian trưng bày chính (đa dạng sinh học, văn hóa dân tộc và lịch sử). Đây là một công trình kiến trúc văn hóa được xây dựng theo phong cách hiện đại kết hợp với truyền thống văn hóa dân tộc. Đặc biệt, bảo tàng Đắk Lắk còn là một trong những bảo tàng tiên phong trong việc sử dụng ngôn ngữ dân tộc thiếu số bản địa trong việc trưng bày.

Tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột

Tượng đài nằm ở chính giữa vòng xoay Ngã Sáu, với mô hình xe tăng cắm cờ để kỷ niệm chiến thắng Buôn Ma Thuột, cũng là biểu tượng thiêng liêng của người dân thành phố. Dù ai đi đâu ở đâu thì chỉ cần nhìn thấy biểu tượng Ngã Sáu là như nhìn thấy nhà mình.

Hồ Ea Kao

Hồ nằm cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột 12km về hướng đông nam, thuộc địa phận xã Ea Kao, được hình thành từ việc chặn các dòng suối Ea Knin, Ea Kao, Ea Chăt, Cư Mblim… để xây dựng công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho lúa và cà phê. Điều thú vị, tuy là công trình thủy lợi vận hành từ năm 1983, nhưng đến nay, không gian hồ Ea Kao vẫn mang đậm nét hoang sơ. Dưới lòng hồ là hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài cá, tôm nước ngọt. Xung quanh hồ là những dãy núi đồi trập trùng cùng hệ thực vật phong phú với những cánh rừng còn nhiều cây cổ thụ.

Cụm thác Gia Long, Dray Nur, Dray Sap

Thác Dray Nur nằm cách thành phố Buôn Ma Thuột 25km đi theo quốc lộ 14, qua thủy điện Buôn Kôp gần 3km, đây là một ngọn thác hùng vĩ mà thiên nhiên đã ban tặng cho Đắk Lắk. Dray Nur nghĩa là thác Cái. Vì thế thác còn có tên thông tục là thác Vợ, thác này cũng được gọi Dray Nur thượng. Dray Nur nằm ngay cạnh thác Dray Sap (hay còn gọi là thác Chồng) và chỉ cách Dray Sap một đoạn cầu treo bắt qua dòng sông Sêrêpôk. Cả hai đều là những thác nước đẹp và hùng vĩ.

Thác Gia Long còn có tên khác là thác Dray Sáp thượng, có vị trí liền kề thác Dray Sáp về phía thượng nguồn. Theo lời kể của nhân dân địa phương, tên thác gắn với việc Nguyễn Ánh (Gia Long) chạy trốn nhà Tây Sơn đến đây. Để có tên riêng cho thác và ghi dấu ấn về giá trị lịch sử danh thắng, người dân địa phương bắt đầu gọi tên thác Gia Long thay cho thác Đray Sáp thượng. Tuy nhiên có thuyết cho rằng tên thác là do Bảo Đại đặt khi ông đến đây du ngoạn.

Thác Thủy Tiên

Thác Thủy Tiên hay còn gọi là thác Ba Tầng là một thác nước ở Đắk Lắk, thác nằm ở xã Ea Puk, huyện Krông Năng. Đây là một thắng cảnh đẹp, hoang sơ giữa núi rừng với vô vàn những tảng đá nằm gối chồng lên nhau và những rễ cây rừng đan kín trông rất lạ mắt.

Do có 3 tầng nước đổ nên còn gọi là thác Ba Tầng. Tầng thứ nhất hẹp, có độ dốc nhỏ với những bậc lên xuống dễ dàng. Tầng thứ hai trải rộng với nhiều bậc đá, và có những mặt hồ nước cạn có thể tắm được. Tầng thứ ba nước từ trên cao đổ xuống một mặt hồ rộng và sâu, tung bọt trắng xóa rồi trở về lại với dòng chảy hiền hòa, uốn lượn giữa đại ngàn xanh thẳm.

Vườn quốc gia Yok Đôn

Vườn Quốc gia Yok Đôn nằm trên địa bàn 3 huyện: huyện Buôn Đôn, huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) và huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông). Yok Đôn được coi là một trong những khu rừng đặc dụng có diện tích lớn nhất Việt Nam, nằm trên một vùng tương đối bằng phẳng, với hai ngọn núi nhỏ ở phía Nam của sông Sêrêpôk. Rừng chủ yếu là rừng tự nhiên, phần lớn là rừng khộp.

Yok Đôn cũng là vườn quốc gia duy nhất ở Việt Nam bảo tồn loại rừng đặc biệt này. Du khách đến đây sẽ tận hưởng các loại hình du lịch sinh thái đặc trưng như: cưỡi voi, đi bộ, xe đạp địa hình trong các cánh rừng nguyên sinh. Đặc biệt, ban đêm, bạn có thể đi xem các loài thú hoang dã, ban ngày đi du thuyền độc mộc trên dòng Sêrêpôk thơ mộng.

Vườn quốc gia Chư Yang Sin

Vườn quốc gia Chư Yang Sin nằm trên địa phận hai huyện Lắk và Krông Bông của tỉnh Đắk Lắk, cách thành phố Buôn Ma Thuột 60 km về hướng Đông. Nếu bạn muốn tìm một địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn thì nơi đây chính là lựa chọn hoàn hảo. Đạp xe đạp địa hình, ngắm rừng thông xanh, tìm hiểu về các loài chim thú hoang dã hay chèo thuyền độc mộc trên sông cho tới tổ chức picnic ngoài trời là những trải nghiệm thú vị bạn chẳng thể bỏ lỡ khi đến đây.

Bảo tàng Thế giới Cà phê

Bảo tàng Thế giới Cà phê tọa trên đường Nguyễn Đình Chiểu, ngay trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột. Mở cửa từ tháng 11/2018, đến nay nó đã trở thành điểm check-in không thể bỏ qua khi du khách tới cao nguyên đại ngàn. Với không gian mở chia thành nhiều khu khác nhau, bảo tàng thế giới cà phê được thiết kế theo kiến trúc nhà dài của đồng bào Tây Nguyên. Dù vậy, không ít du khách ví nơi này như châu Âu bởi nét hiện đại hài hoà với truyền thống.

Buôn Ako Dhong

Buôn Ako Dhong (thường gọi là Cô Thôn) nằm về phía Bắc, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng trên dưới 2km. “Ako” tiếng Ê Đê có nghĩa là đầu nguồn, “Dhong” là lũng. Ako Dhong là lũng đầu nguồn. “Buôn lũng đầu nguồn” ăn nước con suối Ea Nhôn, có tiếng là buôn giàu có, còn được gọi là “Buôn nhà ngói” hay “Buôn Ama Rin”. Các lễ hội được già làng Ama Rin tổ chức thường xuyên, lời ca, điệu nhạc, múa truyền thống luôn vang lên dưới mái nhà dài. Sắc màu của vùng đất cao nguyên vẫn luôn thắm mãi ở buôn Ako Dhong, đã hấp dẫn nhiều lượt du khách khi đặt chân đến vùng đất bazan này.

Làng cà phê Trung Nguyên

Làng cà phê Trung Nguyên không chỉ là địa điểm mua cà phê nổi tiếng mà còn được thiết kế như một công viên thu nhỏ. Các khu tiểu cảnh được thiết kế đẹp mắt, hoành tráng như các thác nước lớn, cầu, suối, ao hồ, nhà sàn… với khách du lịch ra vào tấp nập. Đến đây, bạn có thể không cần mua bất cứ sản phẩm nào, không cần uống nước trong quán mà vẫn có thể tham quan quần thể này miễn phí.

Hồ Lắk

Cách TP. Buôn Ma Thuột khoảng 56km về hướng Nam, đây là hồ nước ngọt lớn nhất Tây Nguyên và thứ nhì Việt Nam (sau hồ Ba Bể). Xung quanh hồ được bao phủ bởi những cánh rừng nguyên sinh. Ngoài cảnh đẹp tự nhiên, các bản làng của người dân tộc M’Nông sống xung quanh hồ cũng sẽ cung cấp cho bạn những trải nghiệm văn hóa hết sức độc đáo. Hồ Lắk cũng là địa điểm lý tưởng để bạn ngắm mặt trời mọc và lặn trong ngày.

Đến Buôn Ma Thuột ăn gì?

Bún đỏ

Bún đỏ là một đặc sản của thành phố cao nguyên Buôn Ma Thuột. Tên gọi của món ăn bắt nguồn từ một tô bún với màu đỏ đặc trưng của nước dùng. Món ăn được kết hợp nhiều nguyên liệu như: gạch cua, trứng cút, các loại rau…

Địa chỉ gợi ý: Quán bún đỏ – 65 Trần Phú, Thắng Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.

Bún giò chìa

Bún giò chìa (bún chìa) có nước dùng khá giống với bún bò Huế. Khác biệt lớn nhất là ở phần nguyên liệu. Thay vì sử dụng thịt bò, người dân vùng cao nguyên này sử dụng phần tảng thịt phía chân sau của con lợn. Thịt được chọn đem về rửa sạch, sau đó ninh cho chín nhừ trong nồi nước dùng, tiếp đó vớt ra để nguội. Mỗi khi có khách gọi món, chủ quán lại lấy từng khúc giò chìa đem thả vào nồi nước dùng cho nóng, sau đó cho vào tô bún đã có sẵn chút mắm ruốc, sau cùng là cho hành lá, hành tây và chan nước dùng nóng hổi vào bát.

Địa chỉ gợi ý: Bún giò chìa cô Chua – 222 Nguyễn Tất Thành, Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.

Bò nhúng me

Bò nhúng me với vị chua ngọt, ăn kèm bánh mì, cải xoong và salad cũng là món ăn ngon nổi tiếng. Bò được thái lát mỏng, vừa ăn sau đó nhúng vào sốt me đang sôi ùng ục. Món ăn này độc đáo bởi vị chua chua, ngọt ngọt từ me nên rất khó ngán nên có dịp đến đây hãy thưởng thức món ăn này xem sao nhé.

Địa chỉ gợi ý: Cà Te Quán – 140 Lê Thánh Tông, Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.

Cơm lam, gà sa lửa

Cơm lam, gà sa lửa là hai món ăn nổi tiếng của người đồng bào ở bản Đôn. Về đây, bạn có thể thưởng thức món ăn này trong các nhà hàng ở Buôn Ma Thuột.

Địa chỉ gợi ý: Ẩm thực Tây Nguyên YangSin – Trần Nhật Duật, Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.

Canh lá

Canh lá của người Êđê hay còn gọi là lẩu lá. Món ăn được chế biến từ 10 loại lá rừng khác nhau. Khi ăn có vị nhân nhẩn đắng và cay nồng rất lạ miệng. Bạn có thể tìm thấy món ăn này trong các nhà hàng đặc sản ở Buôn Ma Thuột.

Canh chua cá lăng

Canh chua cá lăng hay lẩu cá lăng – du khách khó có thể bỏ qua món cá đặc sản của dòng sông Serepork hùng vĩ. Nước lẩu được hầm với cá, cà chua, sả được đập dẹp, măng chua,… Nước lẩu ngon ngọt có một tí vị chua từ cà chua và măng chua, thịt cá thơm ngon, rắn chắc. Lẩu thường ăn kèm với những loại rau ăn lẩu và bún tươi. Đây là món ăn ngon miệng và có tác dụng giải nhiệt rất tốt trong những ngày nắng. Ngoài ra, cá lăng còn được dùng để kho tộ, nấu canh riêu cá lăng.

Địa chỉ gợi ý: Nhà hàng Phú Mập 6 – 115 Y Ngông, Tân tiến, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.

Bánh ướt thịt nướng

Bánh ướt thịt nướng là món điểm tâm được ưa chuộng của người dân Buôn Mê Thuột. Món bánh ướt thịt nướng là sự kết hợp giữa bánh ướt cuốn cùng thịt heo nướng và các loại rau, dưa chuột và thơm. Sau đó, chấm bánh đã được cuốn vào nước mắm. Món ăn này ngon nhờ thịt được ướp đậm đà, vừa ăn và nước mắm pha mặn ngọt.

Địa chỉ gợi ý: Bánh ướt thịt nướng – 90A Lê Thánh Tông, Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.

Gỏi cà đắng cá cơm

Gỏi cà đắng cá cơm là món ăn dân dã, thường được dùng để đãi tiệc, đãi khách của người dân Tây Nguyên. Món ăn này có 2 nguyên liệu chính đó là cà đắng và cá cơm khô. Cà đắng có vị đắng nồng và là một loại quả gần gũi trong cuộc sống của người dân nơi đây. Họ thường thái lát cà đắng và trộn chúng chung với cá cơm và nước cốt chanh, tỏi, đường, ớt và nước mắm được thêm vào sau cùng. Tất cả tạo nên một món gỏi đậm đà, kích thích vị giác.

Địa chỉ: Quán ăn gia đình A Tỷ – 175 Đinh Tiên Hoàng, Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.

Gà nướng bản Đôn

Đến với Buôn Ma Thuột bạn không thể không tham quan bản Đôn và thưởng thức món gà lừng danh tại đây. Gà bản Đôn được nuôi thả vườn nên thịt gà dai vừa phải. Gà được làm sạch, sau đó ướp với những gia vị như muối, ớt, sả và đặc biệt là được ướp với mật ong rừng thơm ngon. Gà sau khi đem nướng lên sẽ có màu vàng rực cùng mùi thơm bốc ra từ những thứa thịt trắng ngần. Thịt gà nướng ăn cùng với rau thơm, cơm lam và chấm cùng muối ớt xanh hoặc muối ớt sả sẽ làm dậy lên hương vị thơm ngon của món gà bản Đôn này.

Địa chỉ gợi ý: Gà nướng Chicky – số 13 Nguyễn Văn Trỗi, p. Thắng Lợi, Tp. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.

Cá Bống thác kho riềng

Cá Bống thường được biết đến ở những vùng đồng bằng. Tuy nhiên, cá Bống cũng được người dân vùng Tây Nguyên đánh bắt tại những thác nước. Cá Bống thác kho riềng là món ăn quen thuộc của người dân tại Buôn Mê Thuột. Cá Bống được kho với muối, ớt, hành, sả, tiêu và đặc biệt là củ riềng. Thịt cá Bống mềm mềm, bùi bùi quyện với vị cay nồng của ớt, mùi thơm của củ riềng, sả và tiêu. Món này mà ăn với cơm trắng là hết sẩy.

Lẩu rau rừng

Lẩu rau rừng có nguồn gốc từ người dân Êđê. Qua thời gian, món ăn này đã trở nên phổ biến đối với người dân Buôn Ma Thuột. Lẩu rau rừng là sự kết hợp của 10 loại rau được hái từ rừng về. Tuy được gọi là lẩu nhưng món ăn này lại khá giống với canh rau. Món ăn có mùi thơm độc đáo nhờ sự kết hợp mùi hương của những loại rau với nhau và thường ăn kèm với tôm, thịt.

Địa chỉ: Lẩu Hạnh – số 51 đường Đào Duy Từ, Tp. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.

Đặc sản Buôn Mê Thuột

Café Buôn Ma Thuột

Cà phê có hương thơm độc đáo quyện cùng hương vị socola khác lạ. Một khi đã đến Buôn Mê Thuột, bạn đừng quên mua loại cà phê này về làm quà nhé.

Mật ong hoa café

Loại mật này có vị ngọt vừa, là một trong những món quà bổ dưỡng bạn nên mua về làm quà khi đến thăm Buôn Mê Thuột.

Măng khô

Măng khô là một trong những món ăn quen thuộc của vùng đất Buôn Ma Thuột. Măng khô vẫn giữ được hương vị của măng non mềm, vừa dai giòn vừa thơm ngon. Từ măng khô bạn có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon như măng khô hầm giò heo, vịt hầm măng khô,…

Bột cacao

Bột cacao là đặc sản Buôn Mê Thuột, chất bột khá mịn và đều, có hương vị độc đáo và hương thơm đậm từ cacao. Bên cạnh việc pha chế đồ uống, bột cacao còn có thể giúp bạn làm nên những chiếc bánh thơm ngon hoặc làm socola đấy.

Cà đắng

Cà có vị đắng đặc trưng quyện cùng hương thơm khó cưỡng, ăn một lần sẽ khiến bạn nhớ mãi món ăn đặc trưng của vùng đất này đấy nhé.

Bơ sáp

Đến Buôn Ma Thuột bạn đừng quên mua bơ sáp về làm quà cho người thân bạn bè nhé. Bơ có vị béo thơm đặc trưng, ăn vào dẻo quánh, được lòng rất nhiều du khách ghé thăm nơi này.

Đến Buôn Ma Thuột ở đâu?

Khách sạn Mường Thanh Luxury Buôn Ma Thuột

Địa chỉ: 81 Nguyễn Tất Thành, phường Tân An, Tp. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.

Khách sạn Sài Gòn Ban Mê

Địa chỉ: 01-03 Phan Chu Trinh, Thành phố Buôn Ma Thuột.

Khách sạn Hai Bà Trưng Buôn Ma Thuột

Địa chỉ: 08 Hai Bà Trưng, Tp. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.

Khách sạn Elephants Buôn Ma Thuột

Địa chỉ: 142 Phan Chu Trinh, phường Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.

Những điều cần lưu ý khi du lịch Buôn Ma Thuột:

– Mang áo mưa theo, bởi các tỉnh Buôn Mê Thuột thường xuất hiện những cơn mưa đột ngột.

– Lưu ý mặc áo ấm bởi không khí trên cao khá lạnh, chưa kể có những đợt gió không ngừng.

– Đường Buôn Mê Thuột khá hẹp, nhiều đèo dốc nên du khách cần lưu ý tốc độ khi lái xa, tầm nhìn và không phóng nhanh vượt ẩu.

– Tìm hiểu trước về phong tục các dân tộc khi vào những buôn làng, không đi sâu vào rẫy hay rừng của dân địa phương.

Tiến Oanh tổng hợp